Doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh thường phải mở thêm các chi nhánh. Các chi nhánh có thể hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập với trụ sở chính.
Vậy khi xuất hàng cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc, độc lập thì có phải lập hoá đơn GTGT không? Ketoangiare.net sẽ hướng dẫn bạn cách kê khai thuế cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc và độc lập cũng như cách sử dụng hóa đơn chứng từ qua bài viết dưới đây:
HƯỚNG DẪN KÊ KHAI THUẾ CHO CHI NHÁNH HẠCH TOÁN PHỤ THUỘC VÀ ĐỘC LẬP [cập nhật 2021]
1. Kê khai Thuế môn bài (Lệ phí môn bài)
Theo quy định tại điều 17 Thông tư 156/2013/TT-BTC:
a. Chi nhánh hạch toán độc lập:
- Kê khai tại chi nhánh đó.
b. Chi nhánh hạch hạch toán phụ thuộc:
- Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc là chi nhánh, cửa hàng ... ở cùng tỉnh với trụ sở chính thì nộp tờ khai thuế môn bài tại cơ quan thuế trụ sở chính.
- Nếu ở khác tỉnh thì nộp tờ khai và tiền thuế môn bài tại chi nhánh đó.
2. Xuất hàng hóa cho chi nhánh (Hóa đơn):
(Theo điểm 2.6 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định)
a. Chi nhánh hạch toán độc lập:
- Khi xuất hàng hóa cho chi nhánh độc lập thì: Xuất hoá đơn như bán hàng bình thường.
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
- Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hoá cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hoá đơn, chứng từ như sau:
1b) Sử dụng hoá đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
2b) Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ.
- Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng.
Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hoá bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hoá bán ra có thuế suất thuế GTGT khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hoá bán ra theo từng nhóm thuế suất.
- Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của cơ sở giao hàng xuất cho.
Trường hợp các đơn vị trực thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị trực thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT.
Những chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể xin cấp MST riêng (13 số) và đặt in hoá đơn GTGT.
3. Kê khai thuế GTGT:
Theo điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC
a. Chi nhánh hạch toán độc lập:
- Thì kê khai tại chi nhánh.
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
+ Đối với Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ ...
- Nếu chi nhánh phụ thuộc ở cùng tỉnh (Thành phố) với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT tại Trụ sở chính.
(Nếu chi nhánh có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke thì Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế)
- Nếu chi nhánh ở khác tỉnh (Thành phố) với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế chi nhánh.
(Nếu chi nhánh phụ thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính. Chú ý: Trường hợp này DN phải thông báo với cơ quan thuế nhé)
Trường hợp DN có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương khác tỉnh với trụ sở chính, có thành lập đơn vị trực thuộc (chi nhánh, Ban quản lý dự án…) thì phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ví dụ: Công ty kinh doanh bất động sản A có trụ sở tại TP.HCM, Công ty là chủ đầu tư dự án phát triển nhà tại thành phố Bình Dương, Công ty thành lập chi nhánh tại Bình Dương để quản lý dự án thì chi nhánh Công ty A phải thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản này tại Bình Dương.
+ Đối với Doanh nghiệp sản xuất:
Trường hợp người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu đóng trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì:
- Nếu cơ sở sản xuất có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương đó, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải lập hóa đơn GTGT làm căn cứ để kê khai, nộp thuế tại đó.
Theo Công văn số 07/CT-TTHT ngày 4/1/2016 của Cục Thuế TP. HCM quy định cụ thể như sau:
“Trường hợp Công ty theo trình bày có thuê đất tại Cụm công nghiệp thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà máy chế biến nông sản và đăng ký thành lập Chi nhánh Bình Dương, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận hoạt động Chi nhánh, Chi nhánh (trực thuộc) đã đi vào hoạt động tuy không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu nhưng có hạch toán kế toán, Chi nhánh đã đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại Bình Dương thì khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính Chi nhánh phải sử dụng hóa đơn GTGT làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất (tỉnh Bình Dương).”
- Nếu cơ sở sản xuất không thực hiện hạch toán kế toán thì kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất .
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương cơ sở sản xuất được xác định theo tỷ lệ:
- 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%)
- 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra.
Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
- Nếu tổng số thuế GTGT phải nộp cho địa phương (nơi cơ sở sản xuất) xác định theo nguyên tắc trên mà lớn hơn số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính thì DN tự phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương | = | Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính | X | Tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp. |
Lưu ý: Nếu DN không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
- Doanh nghiệp phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư 156 cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT tới các cơ quan thuế cơ sở sản xuất trực thuộc.
Căn cứ số thuế GTGT được phân bổ giữa trụ sở chính và các địa phương cơ sở sản xuất trên Bảng phân bổ theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, DN lập chứng từ nộp thuế GTGT tại trụ sở chính và từng địa phương cơ sở sản xuất. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính và địa phương cơ sở sản xuất.
Ví dụ 1: Công ty A trụ sở tại TP.HCM có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Tiền Giang và Long An. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.
- Trong kỳ khai thuế tháng 8/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Tiền Giang là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Long An là 600 triệu. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Tiền Giang là:
500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Long An là:
600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho TP.HCM là:
25 triệu - 10 triệu - 12 triệu = 3 triệu đồng.
Ví dụ 2: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 3 nhà máy sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 9/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hà Nội là 200 triệu.
- Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của Công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng.
- Theo nguyên tắc, DN sẽ tạm nộp tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế 10%, Công ty A xác định số thuế GTGT phải nộp cho Hải Phòng và Hưng Yên là: 500 triệu x 2% + 600 triệu x 2% = 22 triệu. Như vậy khi xác định theo nguyên tắc này thì số thuế phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính. Vì vậy, Công ty A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:
20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu +200 triệu) = 7.69 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là:
20 triệu x 600 triệu / (500 triệu + 600 triệu + 200 triệu) = 9.23 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là:
20 triệu - 7.69 triệu - 9.23 triệu = 3.08 triệu đồng.
Ví dụ 3: Công ty An Đông (công ty A) trụ sở tại TP.HCM có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Bình Thuận và Bình Phước. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 10/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Bình Thuận là 400 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Bình Phước là 500 triệu. Tháng 10/2014, Công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. Công ty A cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho Bình Thuận và Bình Phước.
4. Kê khai thuế TNCN:
- Việc kê khai thuế TNCN các bạn cũng tiến hành kê khai như sắc thuế GTGT. Tuy nhiên lưu ý 1 số vấn đề sau:
a. Trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động trực tiếp với Chi nhánh, đăng ký giảm trừ gia cảnh tại Chi nhánh, và có thỏa thuận nhờ Công ty trả hộ tiền lương thì Chi nhánh có trách nhiệm kê khai thuế TNCN cho cá nhân đó.
b. Trường hợp Công ty ký hợp đồng lao động với người lao động và cử người lao động đến Chi nhánh làm việc, các cá nhân đăng ký giảm trừ tại Công ty, Công ty thực hiện chi trả lương thì kê khai thuế TNCN tại Công ty.
(Theo Công văn 18200/CT-TTHT ngày 13/4/2017 của Cục thuế TP Hà Nội)
5. Kế khai thuế TNDN:
Theo điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:
a. Chi nhánh hạch toán độc lập:
- Kê khai thuế TNDN tại chi nhánh đó.
- Chi nhánh làm BCTC cuối năm để nộp cho cơ quan thuế quản lý chi nhánh. Đồng thời trụ sở chính Công ty cũng phải làm BCTC hợp nhất để nộp cho cơ quan thuế.
b. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
- Kê khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính
(Chi nhánh không phải kê khai thuế TNDN chỉ kê khai thuế Môn bài, GTGT, TNCN tại cơ quan thuế chi nhánh đó)
- Cuối năm Chi nhánh không phải lập BCTC mà chỉ cần lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để gửi về trụ sở văn phòng chính công ty để VP chính công ty lập BCTC.
c. Đối với Doanh nghiệp sản xuất:
- Những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính: Thì nộp hồ sơ khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính.
- Chi nhánh không phải làm BCTC cuối năm mà chỉ lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để gửi về trụ sở chính Công ty để lập BCTC.
KẾT
Ketoangiare.net vừa chia sẻ với bạn bài viết Hướng Dẫn Kê Khai Thuế Cho Chi Nhánh Hạch Toán Phụ Thuộc Và Độc Lập. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ nắm và biết cách vận dụng cho chính xác. Chúc các bạn sức khỏe và thành công.
Đừng quên COMMENT, SHARE bài viết các bạn nhé!
EmoticonEmoticon