Cách Tính Thuế Cho Thuê Nhà (TNCN & GTGT) Mới Nhất 2022

11:18
Hoạt động cho thuê nhà cần đóng những loại thuế, phí nào? Doanh thu cho thuê nhà bao nhiêu mới phải đóng thuế?. Xem ngay bài viết Cách Tính Thuế Cho Thuê Nhà mới nhất 2022 dưới đây của Ketoangiare.net để không còn lăn tăn và tự tin áp dụng cho đơn vị hoặc cá nhân mình bạn nhé.

cach tinh thue cho thue nha

    CƠ SỞ PHÁP LÝ CÁCH TÍNH THUẾ CHO THUÊ NHÀ MỚI NHẤT 2022



    - Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013

    - Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

    - Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài

    - Thông tư 65/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tu số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về lệ phí môn bài.

    - Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài đối với cá nhân cho thuê tài sản

    - Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân.

    - Công văn 2626/TCT-DNNCN ngày 19/7/2021 quy định về thuế GTGT, TNCN đối với cá nhân cho thuê tài sản.

    THU NHẬP TỪ CHO THUÊ NHÀ CHỊU THUẾ GÌ?

    Đầu tư cho thuê nhà, phòng trọ, căn hộ chưng cư thời gian gần đây được xem là kênh đầu tư an toàn và thu hút nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi đầu tư vào lĩnh vực này.

    Cho thuê nhà trọ là hoạt động kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh không cần đăng ký theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Do vậy, nếu bạn muốn kinh doanh cho thuê nhà, căn hộ, thì sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề cho thuê nhà trọ không phân biệt quy mô hoặc doanh thu là bao nhiêu.

    Theo quy định của Điều 33 Luật quản lý Thuế 2019, kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD), trong thời hạn 10 ngày làm việc, bạn phải nộp hồ sơ đăng ký thuế lên cơ quan thuế. Trường hợp không nộp hồ sơ đăng ký thuế thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 đồng cho tới 2.000.000 đồng.

    Tùy thuộc vào mức doanh thu từ việc kinh doanh cho thuê nhà ở, phòng trọ, căn hộ mà người có nhà cho thuê sẽ được miễn thuế hoặc sẽ phải đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

    Theo quy định tại khoản 25, Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, nếu kinh doanh cho thuê nhà ở, phòng trọ có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế. Trường hợp nếu doanh thu cho thuê nhà trọ, căn hộ có mức doanh thu từ một trăm triệu đồng trở lên thì sẽ phải chịu thuế GTGT và thuế TNCN.

    Cụ thể, các loại thuế người cho thuê nhà phải đóng khi cho thuê nhà, phòng trọ gồm 3 sắc thuế sau: thuế môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN. Vậy mức thuế phải nộp cho các sắc thuế này là bao nhiêu và cách tính như thế nào?. Cùng xem nội dung dưới đây để cập nhật bạn nhé.

    #1. LỆ PHÍ MÔN BÀI CHO THUÊ NHÀ 2022 LÀ BAO NHIÊU?

    Với quy định mới nhất hiện nay cá nhân có doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng mới phải nộp lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, nếu kinh doanh cho thuê nhà trọ, căn hộ có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm thì phí môn bài phải nộp là 300.000 đồng/năm. Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm, phí môn bài là 500.000 đồng/năm. Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì phí môn bài là 1.000.000 đồng/năm.

    Doanh thu

    Mức đóng

    Trên 100 triệu – 300 triệu đồng/năm

    300.000 đồng/năm

    Trên 300 đến 500 triệu đồng/năm

    500.000 đồng/năm

    Trên 500 triệu đồng/năm

    1.000.000 đồng/năm

    #2. THUẾ GTGT CHO THUÊ NHÀ 2022

    Theo khoản 2 Phần Phụ Lục Bảng danh mục ngành nghề Thông tư 219/2013/TT-BTC thì dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ: tỷ lệ 5%. Vì vậy thuế GTGT phải nộp được tính theo công thức sau:

    Thuế GTGT phải nộp

    =

    Doanh thu

    x

    5%

     

    #3. THUẾ TNCN CHO THUÊ NHÀ 2022

    *Trước ngày 1/8/2021

    - Căn cứ Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính:

    Tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 hướng dẫn về nguyên tắc áp dụng đối với phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản:

    “1. Nguyên tắc áp dụng

    b) Đối với cá nhân cho thuê tài sản thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản...”.

    *Quy định mới về khai nộp thuế từ 1/8/2021

    Căn cứ Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2021) hướng dẫn thuế GTGT, TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:

    Tại Khoản 2 Điều 4 quy định về nguyên tắc khai thuế:

    “2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN...”.

    Tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 hướng dẫn phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân:

    “1. Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong các trường hợp sau đây:

    a) Tổ chức thuê tài sản của cá nhân mà trong hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận bên đi thuê là người nộp thuế;

    ... 3. Trường hợp trong năm cá nhân phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống tại nhiều nơi, cá nhân dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì có thể ủy quyền cho các tổ chức chi trả khai thuế thay, nộp thuế thay đối với doanh thu phát sinh tại đơn vị được ủy quyền trong năm tính thuế.

    Riêng đối với hộ khoán mà ngoài doanh thu khoán, hộ khoán còn nhận được các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền, khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác thì tổ chức chi trả thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay theo thực tế chi trả các khoản này trong năm tính thuế.

    Trường hợp tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản thì áp dụng việc xác định mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định đối tượng không phải nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư này”.

    Tại Điểm c Khoản 1 Điều 9 hướng dẫn về phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản:

    “1. Cá nhân cho thuê tài sản

    c) Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản”.

    Thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản là 5%. Như vậy, thuế TNCN phải nộp được tính bằng công thức sau: 

    Thuế TNCN phải nộp

    =

    Doanh thu x 5%

    VÍ DỤ CÁCH XÁC ĐỊNH DOANH THU 100 TRIỆU ĐỒNG/NĂM ĐỂ TÍNH THUẾ CHO THUÊ NHÀ

    Theo hướng dẫn quy định về phương pháp tính thuế cho thuê nhà, điểm c khoản 1 điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC có hướng dẫn cách xác định doanh thu tính thuế như sau:

    Ví dụ: ông B phát sinh hợp đồng cho thuê nhà với thỏa thuận tiền cho thuê là 10 triệu đồng/tháng trong thời gian từ tháng 10-2022 đến hết tháng 9-2023.

    "Như vậy, doanh thu thực tế năm 2022 là 30 triệu đồng, nhưng tổng doanh thu tính theo 12 tháng của năm 2022 là 120 triệu đồng; doanh thu thực tế năm 2023 là 90 triệu đồng, nhưng tổng doanh thu tính theo 12 tháng của năm 2023 là 120 triệu đồng.

    Do đó, Ông B thuộc trường hợp phải nộp thuế giá trị gia tăng, phải nộp thuế thu nhập cá nhân tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của năm 2022 và năm 2023 theo hợp đồng nêu trên".

    Qua ví dụ trên có thể thấy trường hợp này là hợp đồng cho thuê có thời gian vắt năm, thời gian cho thuê tính theo năm dương lịch không trọn năm thì doanh thu để xác định đối tượng không phải nộp thuế vẫn là doanh thu tính thuế của một năm dương lịch (đủ 12 tháng). Nhưng doanh thu để xác định số thuế phải nộp trong năm chỉ là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

    Và đây cũng chính là hướng dẫn mới nhằm làm rõ cách tính thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, đảm bảo công bằng, xử lý các vấn đề vướng mắc do chưa có hướng dẫn rõ trong thời gian trước đây.

    Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho biết theo hướng dẫn của thông tư 40, các trường hợp có doanh thu cho thuê tài sản đủ 12 tháng trong dương lịch từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế.

    LỜI KẾT

    Ketoangiare.net vừa chia sẻ với bạn bài viết Cách Tính Thuế Cho Thuê Nhà (TNCN & GTGT) Mới Nhất 2022. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ nắm và biết cách vận dụng cho chính xác. Chúc các bạn sức khỏe và thành công.

    >>Nên xem: Cách Phân Bổ Thu Nhập Hợp Lý Để Giảm Tiền Đóng Thuế TNCN [cập nhật 2022]

    Đừng quên COMMENT, SHARE bài viết các bạn nhé!.
    Kế toán Phía Nam

    Dịch vụ kế toán trọn gói giá rẻ TP.HCM. Nơi cung cấp dịch vụ kế toán hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất cho doanh nghiệp của bạn. Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại đây. Hoặc kết nối với chúng tôi qua Facebook , Twitter, và LinkedIn

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    Previous
    Next Post »